Đăng ký Hoà IO's Blog

Nhận những cập nhật về các bài viết mới nhất từ Hoà và xem các nội dung chỉ dành riêng cho subscriber

Theo dõi ngay! Hòa IO Blog cover image Hòa IO Blog cover image
Hòa Nguyễn profile image Hòa Nguyễn

4 giai đoạn của việc học một kỹ năng mới

Một mô hình giúp chúng ta hiểu rõ và nhận thức tốt hơn về quá trình học hỏi bất kỳ một kiến thức hay kỹ năng mới.

4 giai đoạn của việc học một kỹ năng mới
Photo by Wes Hicks / Unsplash

Trong quá trình học hỏi và phát triển bất kỳ kỹ năng hay kiến thức mới nào, mọi người chúng ta đều trải qua các giai đoạn từ chưa biết gì cho đến khi thành thạo. Mô hình 4 Giai đoạn Năng lực (The Four Sages of Competence) hay 4 giai đoạn để học bất kỳ kỹ năng mới (The Four Stages for Learning Any New Skill) được đề xuất bởi Noel Burch vào những năm 1970 là một cách hiệu quả để hiểu rõ quá trình này. Hiểu rõ từng giai đoạn của quá trình này giúp chúng ta có nhận thức tốt hơn về việc học rằng đây là một quá trình dài và nhiều thử thách. Trong bài viết này, Hoà sẽ giới thiệu cùng mọi người mô hình này cùng ví dụ từ việc học phương pháp nghiên cứu khoa học.

4 giai đoạn của việc học và phát triển năng lực

1️⃣ Giai Đoạn 1: Vô Thức Vô Năng (Unconscious Incompetence)

Ở giai đoạn này, chúng ta không biết rằng mình không biết. Chúng ta có thể chưa nhận thức được những gì mình cần học và thường có sự tự tin thái quá về khả năng của bản thân do chưa ý thức rõ về độ phức tạp của kỹ năng cần học.

👉🏻 Ví dụ: Một sinh viên mới bắt đầu làm nghiên cứu khoa học có thể nghĩ rằng việc viết bài nghiên cứu chỉ cần đọc một vài bài báo, làm theo yêu cầu của người hướng dẫn, chạy thực nghiệm rồi viết báo và nộp bài mà không hiểu rõ tầm quan trọng của việc nắm rõ các phương pháp nghiên cứu khoa học bài bản.

🪴 Cách tiến bộ: Hãy tự hỏi bản thân, “Mình cần học thêm những gì?” và bắt đầu tìm hiểu về phương pháp nghiên cứu, cách đặt câu hỏi nghiên cứu phù hợp và thiết kế phương pháp một cách có hệ thống.

2️⃣ Giai Đoạn 2: Có Ý Thức Vô Năng (Conscious Incompetence)

Đây là giai đoạn chúng ta nhận ra rằng mình không biết. Chúng ta bắt đầu nhận thấy rõ những thiếu sót trong kiến thức của mình và hiểu rằng cần phải học hỏi thêm rất nhiều. Tuy nhiên, điều này có thể khiến chúng ta dễ nản chí, mất tự tin, và đây cũng thường là giai đoạn khiến nhiều người bỏ cuộc khi học một kiến thức mới.

👉🏻 Ví dụ: Sau khi tham gia vào một dự án nghiên cứu thực tế, sinh viên nhận ra rằng không phải tất cả các bài báo khoa học đều có giá trị như nhau. Việc chọn lọc tài liệu phù hợp để đọc và xây dựng phương pháp nghiên cứu cần rất nhiều kỹ năng và thời gian hơn họ tưởng.

🪴 Cách tiến bộ: Đặt mục tiêu rõ ràng, tham gia các khóa học hay đọc sách về phương pháp nghiên cứu, học cách phân tích bài báo khoa học, thực hiện literature review, và tìm sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm đi trước.

3️⃣ Giai Đoạn 3: Có Ý Thức Hữu Năng (Conscious Competence)

Ở giai đoạn này, chúng ta đã nhận thức được mình đã biết kiến thức và kỹ năng mới, nhưng vẫn cần phải suy nghĩ và thực hành có chủ đích để thực hiện đúng. Chúng ta có thể đã hiểu được các khái niệm cơ bản, nhưng cần sự tập trung cao độ và kiểm tra kỹ lưỡng từng bước để áp dụng vào thực tế.

👉🏻 Ví dụ: Sinh viên đã học cách xây dựng câu hỏi nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu, nhưng vẫn cần tham khảo tài liệu và kiểm tra kỹ từng bước nhiều lần để hạn chế xảy ra lỗi trong xây dựng phương pháp hoặc tiến hành thực hiện nghiên cứu mới.

🪴 Cách tiến bộ: Đặt câu hỏi “Làm thế nào để thực hiện điều này một cách trôi chảy và tự tin hơn?”, tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu lớn hơn và luyện tập các kỹ năng của mình thông qua các bài thuyết trình, workshop, viết bài báo khoa học, và tham dự hội nghị khoa học.

4️⃣ Giai Đoạn 4: Vô Thức Hữu Năng (Unconscious Competence)

Ở giai đoạn cuối này, chúng ta đã thành thạo các kỹ năng - kiến thức và có thể áp dụng chúng một cách vô thức. Chúng ta có thể áp dụng kiến thức một cách tự nhiên mà không cần suy nghĩ nhiều, kỹ năng đã dần trở thành bản năng.

👉🏻 Ví dụ: Một sinh viên có thể nhanh chóng biết cần phải làm gì khi bắt đầu một hướng nghiên cứu mới, biết tìm và đọc tài liệu như thế nào và thiết kế phương pháp phù hợp để thực hiện một dự án nghiên cứu.

🪴 Cách tiến bộ: Dù đã đạt đến giai đoạn này, việc tiếp tục học hỏi và rèn luyện liên tục vẫn rất quan trọng và chúng ta nên liên tục thử thách bản thân với các dự án và kiến thức mới để tiếp tục phát triển kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của mình.

Việc phát triển kiến thức hay kỹ năng trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn, chấp nhận và học hỏi từ sai lầm - thất bại và luyện tập liên tục. Mô hình 4 Giai đoạn Năng lực này có thể giúp chúng ta củng cố nhận thức và hiểu rằng mỗi giai đoạn đều có ý nghĩa và là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển bản thân.

Chúc mọi người mọi điều tốt lành,

Cheers!

Tham khảo

  1. Learning a New Skill is Easier Said Than Done - https://www.gordontraining.com/free-workplace-articles/learning-a-new-skill-is-easier-said-than-done/
  2. How to become an expert in anything? - https://newsletter.techworld-with-milan.com/p/how-to-become-an-expert-in-anything
Hòa Nguyễn profile image Hòa Nguyễn